Lượt xem: 1711

Việt Nam - Campuchia: Xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị, lâu dài và thân thiện

Biên giới Việt Nam - Campuchia được hình thành trong quá trình lịch sử từ thế kỷ XVII khi nền hành chính của khu vực này được thiết lập. Trải qua mấy trăm năm xây dựng và phát triển, hai quốc gia láng giềng biên giới này đã trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị, lâu dài và thân thiện của nhân dân hai nước.

 


Cột mốc đặc biệt số 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

 

    Biên giới Việt Nam - Campuchia đã trải qua quá trình lịch sử hình thành và vạch định từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc. Những văn bản pháp lý được ký kết giữa các bên liên quan từ thập niên 70 của thế kỷ XIX về đường biên giới Việt Nam - Campuchia; đến nửa đầu thế kỷ XX thì đường biên giới Việt Nam - Campuchia đã được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1:100.000 của Sở Địa dư Đông Dương. Trong các năm 1964 đến 1967, khi Campuchia công bố trung lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại lúc bấy giờ. Trong các năm 1964, 1966, 1975, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán, thương lượng về biên giới. Sau chiến tranh chống thực dân, đế quốc và tay sai, nhất là từ tháng 02/1979, Việt Nam - Campuchia đã cùng ký kết hiệp ước hòa bình hữu nghị làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước nhằm tiến tới xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị, lâu dài và thân thiện. Từ đó, Việt Nam và Campuchia tiến hành đàm phán trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, với mục tiêu là xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, tạo thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ hai nước. Ngày 20/7/1983, Việt Nam và Campuchia tiến hành ký hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới và Hiệp định về quy chế biên giới đề ra những nguyên tắc và quy định để hoạch định biên giới giữa hai nước.

    Trên cơ sở đó, ngày 27/12/1985, tại Phnôm Pênh, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hoạch định biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ cộng hòa nhân dân Campuchia. Hiệp ước gồm 19 điều, quy định những điểm chính về đường biên giới trên đất liền và những vấn đề liên quan; thành lập và xác định nhiệm vụ của Ủy ban Liên hiệp phân giới thực địa; nguyên tắc khảo sát thực địa, hoạch định biên giới quốc gia trên biển, các thể thức qua lại biên giới, các quyền và nghĩa vụ đối với việc sử dụng sông ngòi trên đường biên giới.

    Theo Điều 1, Hiệp ước 1985, đường biên giới quốc gia trên đất liền giữa hai nước được mô tả chi tiết theo bản đồ UTM tỷ lệ 1:50.000 (đường biên giới đã vạch định được chuyển từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1:100.000 sang). Hai bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước (bản đồ Bonne và UTM) đều có giá trị như nhau. Hiệp ước cũng quy định các vấn đề liên quan như cho dù sông, suối biên giới có đổi dòng, đường biên giới vẫn giữ nguyên; những cù lao, những bãi bồi dọc sông, những suối biên giới ở phía bên nào sẽ thuộc bên đó; đối với các cầu biên giới; đường biên giới thì đi chính giữa cầu, giữa đường.

    Hiệp ước hoạch định biên giới được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phê chuẩn ngày 31/01/1986 và Quốc hội nước CHND Campuchia phê chuẩn ngày 07/02/1986, có hiệu lực pháp lý đầy đủ để cả hai bên thực thi. Ngày 22/02/1986, tại Hà Nội, hai bên đã trao đổi văn kiện, phê chuẩn và Hiệp ước có hiệu lực kể từ ngày ấy đến nay và lâu dài về sau.

    Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước đã chính thức ký kết hiệp ước biên giới nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, lâu dài trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hiệp ước được ký kết giữa hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế. Nội dung Hiệp ước phù hợp lập trường hai nước từ sau năm 1954. Thủ tục ký kết và thực hiện chặt chẽ từ Hiệp ước nguyên tắc đến Hiệp ước hoạch định. Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1986 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 8294
  • Trong tuần: 79,001
  • Tất cả: 11,802,321